Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần có một chế độ dinh dưỡng bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu có thể uống bổ sung vitamin cho bà bầu để đảm bảo nhận đủ lượng vitamin cần thiết nhưng điều đó vẫn không thể thay thế chế độ ăn uống lành mạnh và lưu ý chỉ uống vitamin bổ sung khi có sự đồng ý của bác sĩ.
Vitamin A và Beta Carotene
Vitamin A cần cho sự biệt hóa biểu mô, bảo vệ sự toàn vẹn biểu mô trong cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng, tăng cường miễn dịch và có vai trò quan trọng trong hoạt động thị giác. Thiếu vitamin A sẽ gây khô mắt, tổn thương giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thừa vitamin A cũng có thể gây ra các hậu quả như ngứa ngáy, viêm da, bong tróc da, chán ăn, xuất huyết, dị tật bào thai. Do đó, không được bổ sung vitamin A bừa bãi mà phải tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo bổ sung đủ vitamin A qua thức ăn ( khoảng 800 mcg/ngày) thì không cần bổ sung thêm vitamin A bằng thuốc.Vitamin A và Beta Carotene thường có nhiều trong gan, sữa, trứng, cà rốt, rau bina, rau màu xanh lá cây và màu vàng, bông cải xanh, khoai tây, bí ngô, hoa quả màu vàng, dưa đỏ.
Vitamin D
Cần thiết cho sự hấp thụ các khoáng chất như canxi, phospho và thúc đẩy quá trình thành lập xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn đến trẻ bị còi xương ngay trong bụng mẹ hoặc trẻ sinh ra bình thường nhưng thóp trẻ lâu liền. Thừa vitamin D cũng gây ra nhiều hậu quả như tăng canxi huyết, dị tật bào thai, tổn thương thận.
Nhu cầu vitamin D ở phụ nữ có thai là khoảng 10mcg/ngày. Vitamin D có thể được bổ sung qua các thức ăn như cá, trứng, sữa, phomai hoặc các thực phẩm chức năng giàu vitamin D. Ngoài ra, trên da người cũng có các tiền vitamin D, khi tiếp xúc với tia UV sẽ chuyển thành vitamin D có hoạt tính.
Vitamin E
Vitamin E góp phần thuận lợi cho quá trình phát triển của thai nhi và giảm được tỷ lệ sẩy thai hoặc sinh non là do đã trung hòa hoặc làm mất hiệu lực của gốc tự do trong cơ thể. Dầu thực vật, mầm lúa mì, các loại hạt, rau bina, ngũ cốc là các thực phẩm chứa nhiều vitamin E.
Vitamin C
Vitamin C đóng vai trò như một chất khử trong các phản ứng thành lập collagen, giúp mau lành vết thương, làm tăng sức đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt, nhờ đó giúp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt. Thiếu vitamin C có thể gây bệnh scorbut với các biểu hiện là xuất huyết, viêm nướu, răng dễ rụng, sưng khớp.
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây chua (chanh, bưởi, cam), các loại rau tươi, cà chua. Nhu cầu vitamin C hằng ngày tăng khi nhiễm khuẩn, có thai hay cho con bú. Nhu cầu vitamin C đối với phụ nữ có thai là 80mg/ ngày và đối với bà mẹ cho con bú là 100mg. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu vitamin C khi mang thai, ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin C, thai phụ nên uống thêm viên multivitamin. Để đáp ứng đầy đủ các vitamin và khoáng chất như trên, ngoài việc lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nên uống loại viên multivitamin và khoáng chất dành cho bà mẹ mang thai hàng ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
Các loại trái cây họ cam quýt, ớt chuông, đậu xanh, dâu tây, đu đủ, khoai tây, bông cải xanh, cà chua có nguồn vitamin C phong phú.
Vitamin B1
Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa glucid. Nhu cầu vitamin B1 tăng theo lượng glucid ăn vào. Khi có thai hay cho con bú, nhu cầu vitamin B1 cũng tăng lên (khoảng 0,6mg/1000 kcal). Phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ vitamin B1 để tránh nguy cơ tê phù.
Vitamin B1 giúp tăng mức năng lượng và điều hòa hệ thần kinh. Các loại hạt, ngũ cốc, mầm lúa mì, thịt nội tạng, trứng, gạo, mì, hoa quả, các loại hạt, các loại đậu, thịt heo có nhiều vitamin B1.
Vitamin B2
Có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, thúc đẩy chiều cao, hỗ trợ thị giác và quá trình phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu vitamin B2 khi mang thai sẽ tăng nguy cơ tiền sản giật. Vitamin B2 có nhiều trong sữa, bánh mì, các loại rau, đậu...Nhu cầu vitamin B2 ở phụ nữ mang thai khoảng 1,4 mg/ngày.
Vitamin B6
Giúp hình thành các tế bào máu đỏ và giảm thiểu tình trạng ốm nghén ở mẹ bầu. Thịt gà, cá, gan, thịt lợn, trứng, đậu nành, cà rốt, bắp cải, dưa đỏ, đậu Hà Lan, rau bina, mầm lúa mì, hạt hướng dương, chuối, đậu, bông cải xanh, gạo nâu, yến mạch, cám, đậu phộng, quả óc chó là các thực phẩm có hàm lượng vitamin B6 phong phú.
Axit Folic/ Folate
Vai trò của axit folic rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Thiếu axit folic ở thai phụ có thể dẫn tới thiếu máu hồng cầu và thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Ngăn ngừa khuyết tật nứt đốt sống và dị tật ống thần kinh khác. Cam, nước cam, dâu tây, các loại rau lá xanh, rau bina, củ cải, bông cải xanh, súp lơ, ngũ cốc, đậu, mì, đậu, các loại hạt có nhiều axit folic/ folate.
Canxi
Giúp xương và răng chắc khỏe, ngăn ngừa máu đông, giúp cho sự phát triển của cơ bắp và thần kinh chức năng. Các thực phẩm giàu canxi như sữa chua, sữa, phô mai, sữa đậu nành, nước trái cây, bánh mì, ngũ cốc, các loại rau lá xanh, cá đóng hộp với xương.
Sắt
Giúp sản xuất hemoglobin, ngăn ngừa bệnh thiếu máu và đẻ non. Sắt có nhiều trong thịt bò, thịt lợn, đậu khô, rau bina, trái cây sấy khô, mầm lúa mì, bột yến mạch hoặc ngũ cốc có bổ sung sắt.
Protein
Giúp trong việc sản xuất các axit amin xây dựng cơ bắp cho bé. Hầu hết các loại thực phẩm động vật, thịt, gia cầm, trứng, sản phẩm sữa, bánh mì kẹp thịt chay, đậu, các loại đậu, các loại hạt điều bổ sung protein.
Kẽm
Bổ sung kẽm cần thiết cho quá trình hình, sửa chữa và hoàn thiện chức năng của ADN. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến vô sinh, sinh non, sẩy thai, nhiễm độc thai kỳ hoặc có thể sinh già tháng, thai nhi sinh ra không bình thường. Nhu cầu kẽm của phụ nữ mang thai là khoảng 15mg/ngày. Kẽm có nhiều trong tôm cua, sò ốc, hàu, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa.
I-ốt
I-ốt là một vi chất cần thiết cho quá trình phát triển của cơ thể, tham gia vào quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp. Thiếu iốt dễ dẫn tới bướu cổ, đần độn, tổn thương não. Phụ nữ mang thai thiếu iot có thể gây sảy thai tự nhiên, đẻ non và thai chết lưu. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nhu cầu i-ốt của phụ nữ mang thai khoảng 175- 200mcg i-ốt mỗi ngày. Nguồn cung cấp i-ốt tốt nhất là các thức ăn từ biển như cá,cua, tôm, sò, rong biển... Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần sử dụng thêm muối iot để bổ sung đủ i-ốt.